(HQ Online) – Ngày 5/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp giao ban đánh giá công tác tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2019 của Tổng cục Hải quan. Bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, Tổng cục trưởng yêu cầu ngành Hải quan tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu trung tâm để cải cách và quản lý hải quan.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu của năm 2019, số thu NSNN của toàn ngành đạt 53.410 tỷ đồng, bằng 17,7% dự toán thu NSNN năm 2019 (300.500 tỷ đồng), bằng 16,9% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 21,15% so với cùng kỳ năm 2018.
Về nguyên nhân số thu 2 tháng đầu năm 2019 cao hơn so với cùng kỳ 2018: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 2 tháng ước đạt 73,44 tỷ USD, tăng 6,7%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có số thu lớn có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 11,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,56 tỷ USD, tăng 14,6%; sản phầm từ chất dẻo đạt 952 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 2 tháng, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là 21.595 container (giảm 2.589 cont so với tháng trước), trong đó: số lượng lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày là 6.237 container; số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) là 9.648 container (giảm 224 cont so với tháng trước).
Toàn ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 2.725 container, phát hiện nghi vấn 24 container (chiếm 0,88% tổng số container soi chiếu), 3 container vi phạm (chiếm 12,50% tổng lượng container phát hiện nghi vấn). Trong đó lựa chọn, đề nghị soi chiếu 341 container, phát hiện nghi vấn 5 container (chiếm 1,47% tổng số container soi chiếu), 1 container vi phạm (chiếm 20% tổng số container phát hiện nghi vấn).
Qua công tác kiểm tra qua soi chiếu đã phát hiện một số vụ buôn lậu lớn, như: Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ liên tiếp 2 vụ buôn lậu hàng cấm (tổng trọng lượng: 3,1 tấn vảy tê tê và ngà voi) cất giấu trong gỗ; Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV bắt giữ 1 lô hàng bách hóa Trung Quốc trong đó có nhiều hàng không khai báo là hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nguyên liệu đông dược…).
Riêng về tỷ lệ phân luồng, trong tháng 2/2019, toàn Ngành đã phân luồng kiểm tra hải quan đối với 853,137 tờ khai trong đó: luồng xanh là 490,123 đạt 57,45% luồng vàng 322,723 đạt 37,83%, luồng đỏ 40,291 đạt 4,72%, đã phát hiện vi phạm là 1.449 hồ sơ, 1.857 tờ khai, 1.423 lượt tổ chức, cá nhân bị xử phạt.
Một kết quả nổi bật của ngành Hải quan trong 2 tháng đầu năm 2019 là công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 2.643 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; số thu NSNN đạt 29,471 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 7 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 15 vụ.
Với những kết quả đạt được của ngành Hải quan trong 2 tháng đầu năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, đây là kết quả bước đầu khả quan, tuy nhiên để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 thì toàn ngành Hải quan cần tập trung hơn nữa trong công tác giám sát, quản lý hải quan.
Theo đó, đối với công tác thu NSNN, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp thu NSNN tại Chỉ thị 723/CT-TCHQ- là xương sống để toàn ngành Hải quan thực hiện nhiệm vụ chính trị này- Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu trung tâm để vừa tích hợp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính vừa tích hợp cho việc quản lý hải quan. Xây dựng hệ thống quản lý hải quan hiện đại bao gồm cả khâu thông quan và quản lý hải quan.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị áp dụng công cụ quản lý rủi ro trong giám sát hải quan. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng yêu cầu công tác quản lý rủi ro cần giảm bớt những tiêu chí cứng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi của ngành, công tác kiểm soát rủi ro đối với hàng hóa XNK, người và phương tiện xuất nhập cảnh.
Đối với việc quản lý phế liệu NK, tiếp tục quản lý chặt hàng hóa là phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước mắt cần xây dựng quy chế quản lý mới theo quan điểm quản lý phế liệu và loại bỏ phế thải, trong đó yêu cầu đặt ra với công tác giám sát, quản lý hải quan là phải đánh giá, phân tích được thông tin hàng hóa trước khi phân luồng kiểm tra…
Đối với công tác quản lý nội ngành, Tổng cục trưởng yêu cầu tiếp tục quán triệt triển khai nghiêm túc Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan; Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Quy chế hoạt động công vụ của Hải quan Việt Nam; duy trì kỷ luật, kỷ cương của cán bộ công chức trong Ngành khi thi hành công vụ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm Quy chế. Xây dựng quy trình để kiểm soát quy chế kiểm tra 3 cấp, thực hiện đánh giá việc kiểm tra theo từng tháng.
Thu Trang.